Tiếng việt English

Giá sắt thép và các nguyên liệu công nghiệp khác tiếp tục lao dốc

Thứ sáu - 21/05/2021 12:23
Giá các nguyên liệu công nghiệp chủ chốt giao dịch trên thị trường phái sinh Trung Quốc đồng loạt giảm trong ngày 20/5 sau khi Chính phủ nước này công bố tăng cường các biện pháp hạn chế tình trạng giá nguyên liệu tăng cao – có thể cản trở sự hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Đáng chú ý, trên thị trường sắt thép đã xảy ra hiện tượng bán tháo trong phiên 20/5. Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đai Liên giảm hơn 5,7% xuống 1.142,5 CNY (177,4 USD)/tấn vào lúc kết thúc phiên giao dịch, sau khi có thời điểm xuống mức thấp nhất 3 tuần là 1.102 CNY/tấn. Như vậy, so với mức cao kỷ lục 1.358 CNY/tấn đạt được hôm 12/5 thì giá quặng sắt đã mất 16% giá trị.

Trên Sàn giao dịch Singapore hôm nay, giá quặng sắt kỳ hạn tham chiếu (giao tháng 6) cũng giảm 3% xuống 200 USD/tấn, rời rất xa khỏi mức cao điểm 233,75 USD/tấn hôm 12/5.

Giá sắt thép và các nguyên liệu công nghiệp khác tiếp tục lao dốc, xuất hiện bán tháo - Ảnh 1.

Giá quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc

Giá thép cũng kéo dài chuỗi những phiên giảm giá, kết thúc ngày 20/5 ở mức thấp nhất trong vòng 5 tuần và giảm xa khỏi mức cao kỷ lục lịch sử đạt được vào tuần trước.

Theo đó, giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải phiên 20/5 giảm 4,7% so với mức 5.309 CNY/tấn của phiên 19/5; thép cuộn cán nóng giảm 4,5% so với mức 5.678 CNY/tấn của phiên liền trước, và thép không gỉ cũng mất 2,8% trong cùng phiên.

Không chỉ sắt thép, giá các nguyên liệu công nghiệp khác như đồng, nhôm…cũng đang giảm giá mạnh. Giá 2 than luyện cốc phiên 20/5 giảm 8%, còn than cốc giảm 4,8%.

Giá sắt thép và các nguyên liệu công nghiệp khác tiếp tục lao dốc, xuất hiện bán tháo - Ảnh 2.

Giá các kim loại công nghiệp đồng loạt lao dốc sau động thái kiểm soát giá của Chính phủ Trung Quốc

Với vị thế là nhà công xưởng sản xuất và thị trường xây dựng lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã trở thành động lực chính của thị trường kim loại toàn cầu trong suốt hơn một thập kỷ qua.

Nền kinh tế nước này đầu năm 2020 đã bị tổn thương nặng nề do đại dịch Covid-19, và nay vẫn đang hồi phục một cách khó khăn do các nền kinh tế đối tác trên thế giới chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe này.

GDP của Trung Quốc quý I/2021 đã tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, từ đầu năm đến giữa tháng tháng 1, giá thép thanh vằn, thép cuộn cán nóng và đồng trên thị trường Trung Quốc – những mặt hàng đặc biệt quan trọng trong các hoạt động xây dựng, sản xuất máy móc, thiết bị, xe cộ… đã tăng hơn 30%, trong bối cảnh nhu cầu của lĩnh vực xây dựng cũng như của ngành sản xuất hồi phục mạnh. Điều đó gây lo ngại cản trở sự hồi phục của nền kinh tế nước này.

Kể từ cuối năm 2020 đến nay, nước này đã tiêu thụ lượng kim loại cao kỷ lục để cung cấp các thiết bị gia dụng, thiết bị tập thể dục, container vận chuyển cũng như những hàng hóa khác có nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu trong những tháng gần đây.

Do nhu cầu tiêu thụ vượt xa nguồn cung tại Trung Quốc, không chỉ quặng sắt và than nhiệt, giá một loạt các nguyên liệu quan trọng khác của ngành công nghiệp, bao gồm axit sulfuric và thủy tinh cũng tăng mạnh ở mức 2 con số và đạt kỷ lục cao. Giá thép và các kim loại quan trọng khác đã tăng khoảng 30 – 40% trong khoảng thời gian đó.

Chi phí nguyên liệu tăng kéo theo giá thành sản xuất tăng, ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng và gây ra lạm phát.

Giá xuất xưởng hàng hóa tại các nhà máy ở Trung Quốc tháng 4/2021 đã tăng nhanh nhất trong vòng 3,5 năm, làm dấy lên lo ngại xu hướng tăng sẽ còn tiếp diễn.

Trước tình hình đó, hôm 19/5. Nội các Trung Quốc thông báo sẽ tăng cường hơn nữa việc quản lý cung – cầu hàng hóa để kiềm chế hiện tượng giá tăng "bất hợp lý" và bảo vệ người tiêu dùng.

Tapas Strickland, nhà kinh tế của Ngân hàng Quốc gia Australia - trụ sở tại Sydney, cho biết: "Giá hàng hóa đã chịu áp lực chỉ qua một đêm trong bối cảnh nhà đầu tư có tâm lý vô cùng lo lắng sau khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cảnh báo về giá hàng hóa".

Tuy nhiên, theo ông thì "Sự sụt giảm của giá hàng hóa trong một đêm cần phải được xem xét trong bối cảnh giá hàng hóa đã tăng mạnh trong năm nay."

Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết giá thép và quặng sắt vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu theo mùa mạnh, sản lượng thép cao kỷ lục, biên lợi nhuận thép hấp dẫn và nguồn cung thấp.

ANZ cho biết: "Các biện pháp hạn chế sản xuất và xuất khẩu thép của Trung Quốc chưa chắc sẽ có nhiều tác động không giúp ích nhiều trong việc kiềm chế sự tăng giá bởi yếu tố cơ bản (cung – cầu) vẫn mạnh mẽ, tồn kho quặng sắt vẫn xu hướng giảm.

Richard Lu, nhà phân tích cấp cao thuộc văn phòng tư vấn hàng hóa của CRU Group ở Bắc Kinh, cũng cho rằng giá thép tăng vọt "sẽ khiến một số người tiêu dùng lo sợ vào một số thời điểm." Tuy nhiên, ông cho biết biên lợi nhuận thép "vẫn ở mức trung bình tốt", và điều này sẽ khuyến khích các nhà máy Trung Quốc tiếp tục hoạt động mạnh mẽ trừ khi Chính phủ và các chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp hạn chế mạnh mẽ hơn nữa.

Tác giả bài viết: Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
NHẬN TƯ VẤN, BÁO GIÁ? LIÊN HỆ NGAY
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây